Người Nhật rất thích pháo hoa.
“Tôi cảm thấy được nét lãng mạn trong pháo hoa. Nó chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc”, ông Hiroyuki Yamauchi, một người thợ làm pháo hoa nói.
Những quả pháo hoa của công ty Yamauchi Enkaten với tên gọi “Wabi – Những bông hoa nước Nhật” đã được trao giải thưởng Prime Minister, và cũng là giải cao nhất, trong “Cuộc thi Pháo hoa Omagari”. Khi bị đốt cháy, thuốc nổ bên trong ống pháo tạo ra những chùm pháo hoa có màu “cam Wabi”, làm sáng bừng bầu trời ban đêm và để lại dấu ấn rõ rệt sau đó mờ dần trong ánh hào quang.
Trong ngành chế tạo pháo hoa với nhiều yêu cầu cao về cả khâu kĩ thuật lẫn khâu sáng tạo, mỗi cơ sở sản xuất đều có thế mạnh với những kĩ thuật và truyền thống của riêng họ. Vì thế, việc bước chân vào thị trường này là rất khó đối với những công ty mới. Hiện nay tại Nhật Bản có đến 325 cơ sở sản xuất pháo hoa. Trong số đó, chỉ có 130 công ty có đủ năng lực chế tạo pháo hoa shakudama*, loại pháo hoa được dùng để phục vụ riêng cho những dịp lễ hội, và con số này đang là khá ít. (*Shakudama là kích thước của những loại pháo hoa có thể đạt tới đường kính khoảng 300m khi được bắn ra.)
“Pháo hoa sẽ không bao giờ biến mất trên thế giới, đây là nét đẹp sẽ luôn được duy trì, tôi cho là như vậy”, ông Yamauchi nói.
Dù là thời đại nào, con người chúng ta vẫn sẽ luôn theo đuổi và mong muốn nhìn thấy những thứ đẹp đẽ và ấn tượng.
/ / / / / / / / / / / / / / / / / /
Hiroyuki Yamauchi
Công ty “Yamauchi Enkaten” đã có 150 năm trong ngành, từ giai đoạn đầu của thời kỳ Minh Trị, và ông Hiroyuki Yamauchi thuộc thế hệ thứ 4 ở đây. Màn trình diễn pháo hoa “Wabi – Những bông hoa nước Nhật” của họ đã thắng giải Prime Minister tại Cuộc thi Pháo hoa Omagari Quốc gia Nhật Bản vào năm 2012. Họ rất nổi tiếng với màu cam của pháo hoa làm sáng rực bầu trời, thế nên màu cam đấy được những người thợ làm pháo hoa gọi là “màu cam Yamauchi”.
/ / / / / / / / / / / / / / / / / /
Lịch sử và khoảnh khắc ấy.
Yamauchi Enkaten phát triển theo thời gian. Công ty này bắt đầu sản xuất pháo hoa vào năm đầu tiên của triều đại Minh Trị. Đó cũng là năm chiến tranh Boshin (chiến tranh Mậu Thìn) nổ ra tại Nhật Bản.
“Trước thời điểm đó, việc kinh doanh của họ từng được gọi là “Asahiryu Kajutsushi” và công việc của họ khi đó là đốt đèn tín hiệu. Sau đó họ biến nó thành cơ sở sản xuất pháo hoa khi bước vào thời kỳ Minh Trị. Vào những năm ấy, giải thưởng cho cuộc thi bắn pháo hoa là 100 Yên, tương đương với giá trị của một ngôi nhà khi đó cũng là 100 Yên. Có thể thấy rõ ngày xưa pháo hoa rất có giá trị và các thợ pháo hoa đều dốc rất nhiều công sức vào việc sáng tạo và sản xuất nhiều loại pháo hoa khác nhau.”
Đã từng có lúc pháo hoa không được sản xuất trong suốt thời kì chiến tranh, nhưng họ đã nhanh chóng khôi phục lại công việc ngay sau khi chiến tranh kết thúc.
Có một khoảng thời gian ông của ông Yamauchi được đưa đi công tác ở Mỹ để giúp chế tạo và thực hiện những màn bắn pháo hoa vào dịp chào mừng Quốc Khánh Mỹ.
“Ông của tôi thậm chí còn mang rất nhiều sô-cô-la và kẹo từ Mỹ về và phát cho những người hàng xóm.”
Ông Yamauchi, thế hệ thứ 4 của gia đình với truyền thống chế taok và sản xuất pháo hoa, đã bắt đầu làm việc phụ giúp gia đình từ khi ông còn bé.
Như câu nói “A saint’s maid quotes Latin” (tạm dịch: Người phụ việc cho các vị Thánh còn có thể nói tiếng Latin), ngay từ những ngày còn đang học việc ông đã thể hiện được tay nghề khéo léo, đến mức những người xung quanh đã nói rằng “Cậu ấy đích thị là con của thợ làm pháo bông”.
“Đây là nghề truyền thống của gia đình và tôi chưa bao giờ cảm thấy muốn làm công việc nào khác hơn là chế tạo pháo hoa. Khi những chùm pháo được bắn lên trời, hẳn ta sẽ nghe thấy được những tiếng “Ồ” lên mừng rỡ của người xem chúng, đúng không nào? Đó là điều tuyệt vời nhất. Ngay tập tức ta có thể cảm thấy được sự hào hứng. Và đó chính là giây phút khiến tôi cảm thấy hạnh phúc nhất.”
Màu sắc đẹp nhất.
Việc khôi phục triều đại Minh Trị có ảnh hưởng tốt đối với sự phát triển của nghề làm pháo hoa.
“Khi ấy, Kali Clorua (KCl), chất được dùng để làm ra que diêm, đã xuất hiện tại Nhật Bản. Kể từ đó, pháo hoa ở Nhật có màu sắc sáng hơn. Cho tới thời điểm này, loại pháo hoa phổ biến nhất được gọi là “Wabi Yanagi (cây liễu).”
Tuy nhiên, KCl là một chất hóa học mạnh và chính vì nó có thể gây nguy hiểm, họ đã chuyển qua dùng Kali peclorat (KClO4) cho an toàn. Thế nhưng, KClO4 tuy an toàn hơn nhưng lại khó bắt lửa hơn, vậy nên đây chính là khi mà kĩ năng của các thợ làm pháo hoa được thể hiện. “Tất cả các thợ đều phải biết cách chế tạo và bắn pháo hoa”, ông Yamauchi cười và nói.
Mấu chốt là cấp độ cháy và màu của bột thuốc. Ông đã thử nghiệm rất nhiều lần và chỉ đến khi đạt được mục tiêu đề ra, ông mới cho các thành phần vào ống pháo. Ông nói ta có thể nhận ra được cá tính riêng của từng người thợ qua cách mà pháo hoa họ làm ra nở bung và các mảng màu xuất hiện trên bầu trời.
“Pháo hoa “Katamono”, một loại pháo hoa khi bắn ra có thể tạo thành nhiều hình dạng khác nhau, cũng khá được ưa chuộng, nhưng vẫn chưa phải là điểm nhấn trong trình diễn pháo hoa. Tôi nghĩ đây là lí do vì sao mặc dù ta không bao giờ thấy chán xem pháo hoa ở Nhật nhưng pháo hoa dạng tròn vẫn phổ biến nhất.
Trong pháo hoa có 5 màu chủ đạo là đỏ, xanh dương, xanh lá, vàng và bạc, và ta có thể pha các màu với nhau để tạo ra hơn 10 màu sắc khác như là màu nước. Ví dụ nếu ta muốn trong pháo hoa có màu đỏ, nhưng lại có rất nhiều tông màu đỏ khác nhau, vậy nên khi màu đỏ ta mong muốn xuất hiện trên trời ta sẽ cảm thấy đó chính là màu đỏ đẹp nhất.”
Cơ sở Yamauchi Enkaten rất nổi tiếng với pháo hoa màu cam sáng được đốt cháy ở nhiệt độ 3000OC trong tích tắc. Màu cam này cũng là màu đặc trưng của doanh nghiệp này bởi vì nó rất đặc biệt đối với họ. Màu cam trong pháo hoa của họ còn được đặt tên là “màu cam Yamauchi”.
“Màu mà tôi muốn tạo ra là màu xanh dương. Màu xanh của đèn đường băng lúc trời tối. Có lẽ là vì tôi vẫn luôn thích máy bay nhưng cái sắc xanh khó có thể miêu tả này thật sự lí tưởng. Tôi đang trong quá trình tạo ra nó và tôi nghĩ là mình sắp thành công rồi.”
Pháo hoa ngày xưa, pháo hoa ngày sau.
“Khi ta nghĩ về câu chuyện vì sao chúng ta thấy pháo hoa thật là đẹp, ta thấy nó cũng giống như chuyện người Nhật rất yêu thích hoa anh đào. Chúng nở rất nhanh mà tàn cũng rất nhanh. Chính sự xuất hiện chớp nhoáng làm ta thấy ngưỡng mộ vẻ đẹp đó, bởi vì hoa tàn nhanh cho ta cảm giác xúc động, tôi cho là như thế.”
Tinh thần quốc gia, sự tinh tế, lãng mạn, vân vân… Ông Yamauchi lựa chọn những từ miêu tả rất sắc bén. Ông chia sẻ rằng ông luôn cảm thấy thích thú và ấn tượng bởi những màn trình diễn pháo hoa được làm ra bởi những người thợ lành nghề.
“Pháo hoa ở thành phố Isawa sẽ trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới. Ở Nhật Bản ngày nay càng có nhiều toà nhà cao tầng mọc lên, vì vậy những chùm pháo hoa được bắn ra phải ngày càng nhỏ đi. Nhưng điều này mang lại nhiều khó khăn. Thế nên thử thách của chúng tôi trong tương lai chính là ‘bằng cách nào để người xem yêu thích những chùm pháo hoa nhỏ’. Chúng tôi cần phải làm cho chúng trong thật ấn tượng và sắc sảo…”
Ông Yamauchi nói ông luôn cảm thấy căng thẳng trước những màn trình diễn pháo hoa của mình ngay cả khi ông đã rất dày dạn kinh nghiệm ở những dịp lễ hội.
“Tôi muốn sử dụng những nguyên liệu an toàn. Tưởng tượng, nghiên cứu và thử nghiệm là những việc tôi luôn phải làm. Phương châm của công ty chúng tôi là ‘Vẽ khoảnh khắc lãng mạn lên bầu trời đêm’. Tôi cũng đang nghĩ tới việc chế tạo lại những kiểu pháo hoa của ngày xưa để mang lại cảm giác hoài cổ cho người xem.
Ngày xưa khi đèn lồng Andon còn rất phổ biến ở Nhật, người xưa đã dùng cách nào để đốt những chùm pháo hoa lên bầu trời đêm tối mịt? Khi đó pháo hoa trông ra sao trong mắt ông bà ta? (*Đèn lồng Andon là loại đèn được làm từ một khung gỗ hoặc kim loại bọc trong giấy Nhật.) Và cứ như thế, ta hãy cùng nghĩ về niềm mơ ước của một người - thợ làm pháo hoa, và từ đây cá tính bay bổng lãng mạn của ông Hiroyuki Yamauchi đã bắt đầu hình thành như thế. Bài viết và hình ảnh thuộc bản quyền Hiệp hội Du lịch Fuefuki và Acro Plus
--
Hết.
Comments